VỊ  CHÂN  SƯ Quyển II  - The Initiate in the New World

CHƯƠNG  V

CÔ  BRIND VÀ  CÔ  DELAFIELD

 

Nếu tôi viết cuốn sách này về mình thì tôi không ngần ngại gì mà không thuật lại những chi tiết của bữa ăn trưa ấy, nhưng bởi mục đích duy nhất của tôi là mô tả lại con người và triết lý của Chân sư trong giai đoạn mà ngài khôi hài gọi là ấn bản Hoa Kỳ của ngài, nên tôi phải bỏ qua những gì không thiết yếu. Vì ngài cho phép tôi đem vào sách vài bài giảng của ngài, điều cần thiết là tôi phải biết giới hạn và gạt bỏ những gì không có liên hệ mấy đến thầy.
Vì vậy chỉ cần ghi rằng cái ấn tượng mà Clare Delafield tạo cho tôi ngày hôm trước được tăng cường hơn khi tôi biết cô nhiều thêm. Cô có óc thông minh lanh lợi cộng với vẻ đẹp lạ lùng, và quan niệm rộng rãi làm tôi nhận thức ngay rằng cho dù có sự khác biệt về tuổi tác giữa hai chúng tôi, tôi vẫn có thể có cảm tình khác với cô ngoài sự thương yêu lãng mạn.
Ít nhất tôi có cảm tưởng rằng cô có những đặc tính cần cho tình bạn chân thành. Chúng tôi nói chuyện phần nhiều là về triết lý Yoga, và tôi thấy ngay là chẳng những cô nghiên cứu sâu xa mà còn tự mình suy ngẫm rất nhiều về đề tài này, cùng với một hay hai đề tài khác mà chúng tôi thảo luận. Lấy thí dụ lòng yêu thơ của cô hoàn toàn chân thật và cô chiếm được trái tim tôi, khi lập tức nói ngay đến những câu mà tôi xem là hay nhất trong tác phẩm của mình.
Nói chung lại thì có vẻ như có dây thông cảm rõ rệt giữa hai chúng tôi, mà trực giác của tôi cộng thêm với vài dấu hiệu bên ngoài người khác coi là chẳng đáng gì nhưng đầy ý nghĩa với tôi, nói rằng cô cũng ý thức sự việc y như tôi. Lần đầu tiên đến nhà cô Delafield chơi mà tôi ở từ 1.15 trưa đến 6.30 chiều mới về thì khó có thể cho là không có gì đáng nói, nhất là khi tôi không phải là người bất lịch sự chẳng hề biết khi nào thì nên từ tạ xin lui.
Mấy lần tôi lên tiếng để chấm dứt cuộc viếng thăm tuy trong lòng hoàn toàn không muốn, nhưng được đáp lại.
– Sao anh phải đi ? Anh ở chơi thì chúng tôi vui lắm.
Thế nên mỗi lần tôi như được cởi dạ và ngồi tiếp. Hơn thế nữa bà Delafield cho tôi một cớ rất lọt tai để nấn ná thêm. Gần như ngay sau bữa ăn bà tỏ ý tiếc và bảo 'phải đi dự phiên họp rất chán', và hy vọng tôi ở chơi tới khi bà quay về. May mắn cho tôi là bà chỉ trở về lúc gần năm giờ, tôi có được khoảng thời gian trò chuyện không gián đoạn tête à tête với con gái bà.
Cuối cùng khi tôi đứng dậy ra về thì được dặn là tư gia của hai mẹ con trên đường Hudson luôn mở rộng cửa đối với tôi, và mong tôi thăm viếng hai người luôn - không có ông Delafield -, càng thường càng tốt. Lại nữa, 'nếu ông cho Clare lái xe đi thăm  vài nơi ở miền quê' như bà mẹ nói, thì bà rất vui, và nếu họ có thể làm gì giúp cho tôi, một người đàn ông độc thân ở thành phố xa lạ, thì tôi chỉ cần cho hai mẹ con hay,  v.v. và v.v.
Thành ra khi chót hết khi đi bộ trở về khách sạn, tôi thấy khoan khoái nhẹ nhõm như bước trên mây. Chẳng những đó là lòng hiếu khách nồng nhiệt hơn hết và có triển vọng là sẽ tiếp tục, mà nói sao đi nữa thì lòng hiếu khách ấy phát xuất từ một người đã gợi trong lòng tôi những tình cảm hết sức lãng mạn. Nói tóm tắt thì Clare Delafield dù trong kiếp này tôi chỉ mới quen biết có một hôm, đã ảnh hưởng tâm trí tôi và như thầy ám chỉ, có thể thúc đẩy tôi biểu lộ tâm tư mình trở lại bằng thơ.
Đối với tôi óc sáng tạo khô khan gây ra tâm trạng chỉ có văn sĩ mới thấu hiểu. Tâm hồn trống rỗng không có ý tưởng nào thì như chỉ sống có một nửa, và vì thế tôi hăng hái tán đồng câu nói của ai đó tôi đã quên, rằng chỉ có hai chuyện đáng kể trong đời, một là công việc và cái kia là tình yêu. Nếu có được hai điều cùng một lúc thì ta có được hoan lạc tuyệt vời.
Tối hôm ấy tôi dự buổi nói chuyện của thầy về chú ngữ (mantram) và hôm sau ăn trưa với cô Brind ở hội quán của cô như đã thỏa thuận sẵn. Tuy cô không có vẻ hấp dẫn đối với tôi, và cũng sẽ không hấp dẫn nếu tim tôi chưa quyến luyến ai khác, tôi thấy ngay là hai chúng tôi có thể thành bạn rất tốt với nhau. Cô dí dỏm, linh hoạt và rất thông minh, kiến thức rộng. Thêm vào đó tôi khám phá là cô có khả năng tự nhiên đáng kể về siêu hình và viết sách huyền bí. Trong lần gặp gỡ đầu tiên của chúng tôi, tuy không để ý tới cô cho lắm nhưng tôi nhớ là mình có ấn tượng cô không phải người Mỹ. Vậy mà đúng, cô người Anh sinh ở London, sống ở đó lâu năm và vài tháng sau sẽ về lại đó. Cô sang Hoa Kỳ theo lời đề nghị của thầy và trong bữa trưa giữa hai chúng tôi, cô kể tôi nghe chuyện đầy thú vị.
Năm nay cô 33, từ thuở nhỏ cô đã thấy bằng thông nhãn hình dạng của thầy M.H. thường hiện ra cạnh giường. khi kể cho cha mẹ nghe thì hai người cười chế nhạo nghĩ là con mộng mơ vớ vẩn. Cô không tin khi cha mẹ bảo rằng hình mà cô thấy chỉ là chuyện tưởng tượng, bởi cô biết rõ ràng là mình có thấy, còn cha mẹ thiếu hiểu biết thì điều đó không can dự đến sự hiểu biết của cô. Mà không phải cô chỉ thấy Chân sư theo cách đó, cô thấy cả người đã khuất, thấy hình ảnh mà trí óc non nớt của cô cho là thiên thần, và khi được về vùng đồng quê thì thấy tiên nữ, tinh linh đủ loại khác.
Khả năng thông nhãn này hết sức tự nhiên đối với cô nên cô khó mà tin rằng người khác không  được thấy như vậy. Tiếng cười chế nhạo của cha mẹ làm cô đau lòng và hẳn sẽ tiếp tục gây ra ảnh hưởng đó, nhưng ngày kia khi thầy M.H. xuất hiện trước mặt, ngài đề nghị cô đừng để ý gì tới điều ấy. Từ đó trở đi cô không kể với cha mẹ những điều mình thấy, cuối cùng cha mẹ tin là cô đã qua tuổi 'dại khờ', nói theo cách của họ.
Tuy nhiên đến năm 18 cô rất kinh ngạc thấy ba mình đột nhiên mê say tìm hiểu về thông linh học. Một người bạn giới thiệu với ông khoa này, và từ kẻ đầy lòng nghi ngờ ông đổi tánh thành kẻ nhiệt tâm gần như là cuồng tín. Thay đổi này làm con gái thủ thỉ với ông rằng mình vẫn còn khả năng lúc nhỏ mà hồi ấy ông đã cười chê không thương tiếc. Kết quả là ông nhìn lại con gái như là người thật lạ lùng, tuyệt diệu; hai cha con trở nên thân thiết sâu đậm tới mức ông sẵn sàng cho con mọi cơ hội để phát triển thêm khả năng.
Khi ấy có chuyện thú vị xẩy ra. Cô thuật rằng.
– Một buổi tối ba dẫn tôi đến cuộc họp của những người cùng sở thích tại nhà bà Bartholomew. Khoảng hai mươi người tụ ở đó để gặp một nhân vật mà người ta gọi là có mắt tia X, ông có thể nói anh có bao nhiêu tiền trong túi, ngay cả khi anh không biết rõ, và mấy chuyện tương tự.
Tôi nói.
– Chắc tôi có biết người này, hồi mấy năm trước tôi có gặp ông ta. Và tôi nói tên người ấy.
– Đúng rồi. Tôi đang đứng trong góc nói chuyện với vài người thì đột nhiên tôi cảm thấy như có ai với hào quang hết sức đẹp đẽ bước vào phòng. Từ hồi nào đến giờ tôi vẫn có thể thấy được hào quang, cô giải thích. Một lát sau tôi thấy đứng ở giữa phòng nói chuyện với bà Bartholomew, anh biết ai không, là thầy M.H.. Chưa bao giờ tôi thấy hồi hộp vui vẻ như vậy. Cuối cùng tôi cũng gặp được người bằng xương bằng thịt, vị mà tôi luôn luôn thấy từ hồi nhỏ.
Tôi hỏi, nóng nẩy và háo hức.
– Rồi sau đó ngài có đến nói chuyện với cô ?
– Không, ngài nói chuyện hồi lâu với người có mắt tia X.
– Cô làm gì khi ấy ?
Cô cười đáp.
– Tôi chỉ đứng y một chỗ, tôi bối rối quá nên không thể đến gặp ngài tự mình giới thiệu.
– Nhưng dĩ nhiên cô cũng gặp được ngài chứ ?
– Ồ, đương nhiên. không lâu sau đó bà Bartholomew gọi tôi lại, giới thiệu hai chúng tôi với nhau và bảo thầy rằng tôi có khiếu về khả năng siêu hình.
– Ngài có nói gì khi thấy cô không ?
– Ngài nhìn và mỉm cười, anh biết nụ cười của ngài mà, nhưng ngài không nói gì là đã gặp tôi trước kia.
Tôi giục  cô.
– Xin cô nói tiếp đi, chuyện thật là hấp dẫn, nhưng hẳn ngài phải nói chuyện gì chứ ?
– Có, nhưng không phải chỉ nói với tôi, ngài nói như với cả hai người, tôi và bà Bartholomew.
Tôi đột nhiên bảo.
– Cô biết không, cô làm tôi nghĩ đến bà Blavatsky.
Cô kinh ngạc và gượng cười.
– Tôi hy vọng không phải anh muốn nói trông tôi giống bà, tôi đâu có mập.
– Không, không. Tự nhiên là tôi không muốn nói như thế, nhưng không phải là bà cũng thường thấy được Chân sư và rồi ngày kia được gặp ngài bằng xương bằng thịt ?
– Tôi sợ là mình không biết nhiều về bà Blavatsky.
Tôi nói.
– Mà nó không ăn nhập gì. Tôi muốn nghe thêm về cô và thầy M.H. Chuyện gì xẩy ra kế đó ?
– Tôi nghĩ là bà Bartholomew đưa thầy đi giới thiệu với người khác, sau đó một lát tôi bỏ đi vào tiền sảnh xem sách. Bà Bartholomew có nhiều sách về huyền bí học ở đó, lúc ấy không có ai trong phòng cả.
Sau đó Viola tiếp tục kể với tôi rằng thầy vào phòng gặp cô, cầm lấy tay cô và nói.
– Con à, thế là cuối cùng chúng ta gặp lại nhau.
Xong buổi họp ngài đưa cô đi về tới cổng nhà, nói cho cô hay một số chuyện có liên quan đến sự phát triển của cô. Cuộc đi bộ ngang qua vườn Kensington về nhà này là kinh nghiệm tuyệt vời nhất trong đời cô, khi cả hai ngồi nghỉ chân dưới một cây mọc đối diện hồ Tròn (Round Pond) và ngài nói những điều không hư hại (imperishable things). Từ ngày đó trở đi cô gặp được thầy nhiều hơn, ngài còn làm bạn với cha cô khiến sự việc hóa dễ dàng tuy ngài không hề nhận ông làm đệ tử thực thụ.
Tôi hỏi khi cô kể xong.
– Cô có thấy bây giờ thầy M.H. khác so với lúc ấy không ?
– Chỉ vài mặt thôi. Anh có để ý là ngài có vẻ khác khi chỉ có mình anh với thầy, so với lúc có tất cả chúng ta với thầy ? Khi đông đầy cả bọn thì ngài dấu tình thương sâu đậm của ngài, nhưng mọi người đều nói là đôi lúc chỉ có một mình họ với Chân sư thì sự che dấu ấy mất đi, và nếu ai gặp cảnh không may thì tình thương của ngài tràn đầy vô kể. Tôi đã chứng kiến điều ấy nên tôi biết ...
Cô ngừng một lát rồi tiếp.
– Mà thầy làm việc hết biết ! Anh có tin là thầy chỉ ngủ mỗi đêm bốn tiếng không, có khi ít hơn thế ?
– Tôi không biết, nhưng chuyện gì về thầy cũng không làm tôi ngạc nhiên.
– Chuyện lạ là dường như ngài không hề biết mệt. Tôi nhiều lần thấy sau khi có buổi giảng tối thứ sáu, ngài ngồi xuống chơi cờ ba tiếng liền với ông Galais.
– Ông Galais nào ?
– Ông lớn tuổi đó, hói đầu một chút.
Tôi gật đầu, nhớ lại ông qua lời mô tả rồi bảo.
– Tôi không biết là thầy chơi cờ, thầy chắc ngài là tay chơi thượng thặng.
Cô nhìn tôi đầy ý nghĩa.
– Còn tùy ngài chơi với ai.
Tôi nhướng mày.
– Ngài có thói quen, cô giải thích, là tính sao để chơi hoặc thắng hoặc thua tùy đối thủ.
Tới đây chúng tôi xong bữa trưa và đi ra phòng ngoài để uống cà phê. Tôi hỏi khi chúng tôi yên vị thoải mái trong ghế bành.
– Nói nghe chơi, về khả năng siêu hình của cô.
– Vâng, anh muốn biết gì ?
– Tôi tưởng thầy M.H. không khuyến khích chuyện ấy ở đây.
– Nói chung là vậy, nhưng một số chúng tôi vẫn có nó tuy nhiên chúng tôi không nói cho ai hay.
– Cô muốn bảo là cô được dặn đừng kể ư ?
– Ồ không, không phải vậy, nhưng tôi biết là thầy sẽ hài lòng hơn nếu tụi tôi đừng nói gì hết. Ngài dạy là ta phải cẩn thận đừng để lòng kiêu hãnh chế ngự, đó là cách nói của thầy.
Cô ngưng một lát rồi bảo.
– Chắc anh thắc mắc tại sao tôi lại tuôn hết mọi chuyện với anh.
– Ồ, tôi không biết.
– Anh muốn biết tại sao tôi lại nói với anh không ?
Tôi gật đầu đồng ý.
– Chính thầy đề nghị việc này.
Tôi đáp lại nhưng tự hỏi tại sao ngài lại làm vậy.
– Thầy tốt quá, tôi rất thích nghe những gì cô kể. Cô biết không, thỉnh thoảng tôi ước mình có được thông nhãn trở lại.
Cô nói và nhún vai.
– Thiệt ra nó không làm anh hạnh phúc nhiều hơn đâu, chỉ có cảm xúc sinh ra từ triết lý Yoga mới mang lại chân hạnh phúc.
– Đúng rồi. Cái tâm thức Hoan Lạc mà thầy nói tới, tôi ao ước có được nó. Ý tôi muốn nói là có nó vĩnh viễn, vì người ta chỉ cảm được nó lúc có lúc không.
– Phải lắm, ước chi mình luôn luôn có nó. Cô hưởng ứng một cách tiếc rẻ.
Rồi hai chúng tôi chuyển sang những đề tài khác, cô nói với tôi là cô và cô Delafield đã bàn tính với nhau về đề nghị của thầy muốn tôi được giới thiệu với nhiều người khác nhau tại Boston, cô Delafield muốn mời tôi dùng trà ở nhà cô vào thứ sáu tuần tới. Có tiện cho tôi không ? Tự nhiên là tôi nhận lời vì không có gì bận vào ngày ấy. Cô Delafield còn đề nghị thêm là tôi nên dọn đến ở tại một hội quán thay vì ngụ tại khách sạn đắt tiền như hiện nay. Nếu muốn vậy thì cô có thể dàn xếp cho tôi vào ngụ tại hội quán Nghệ Thuật. Tôi đáp.
– Thiệt tình. Hai cô thật là quá tốt, bỏ công lo lắng cho chỗ ăn ở của tôi. Tôi cũng thích ngụ tại hội quán hơn. Hối suất lúc này làm mau cạn túi vì tiền khách sạn.
Sau đó tôi ra về.
Cô Brind làm tôi chú ý nhiều hơn là tôi tưởng. Trước tiên là tôi luôn luôn thích thú khi gặp người có khả năng siêu hình, ngoài ra tôi khám phá một điều rất dễ mến nơi cô. Dù có nhiều tài năng cô không tỏ chút gì là có tánh kiêu kỳ, mầu mè; cô kể tôi nghe kinh nghiệm của cô hết sức giản dị theo cách làm tôi cảm phục. Tôi không nghi ngờ gì rằng cô là linh hồn tiến hóa cao, và tin cô là vậy cho dù thầy M.H. không nói tôi hay. Nhưng việc khó tin nhất là ngài cũng bảo rằng tôi có thể giúp cô. Bằng cách nào và về chuyện gì ? Suy nghĩ nát óc cũng không làm tôi thấy được câu đáp, tôi thấy cô làm tôi chú ý nhiều hơn là tôi đối với cô. Tôi không nói được chữ nào quan trọng trong suốt thời gian chúng tôi ngồi với nhau. Nếu có làm gì thì tôi chỉ đóng vai trò người biết lắng nghe mà thôi.
Và rồi một ý tưởng đột nhiên hiện ra trong đầu. Cô viết sách có tính thần bí, hay là tôi có thể giúp cô chút gì về mặt văn chương ? Giúp cô diễn tả tư tưởng thi vị hơn hay chuyện gì tương tự vậy ? Chắc là như thế, lần tới gặp thầy M.H. tôi sẽ hỏi ngài. 

 

CHƯƠNG  VI

TIẾN  BỘ

 

Khi về đến khách sạn tôi thấy có lời nhắn điện thoại của gia đình Delafield, mời ăn tối với bà và con gái hôm ấy. Lời nhắn ghi là bữa tối bắt đầu lúc 8 giờ nhưng nếu tôi muốn thì họ mong tôi đến sớm hơn, riêng cô Delafield thì có nhà lúc 6.30. Dù rằng tôi muốn dành mọi thời khắc ở bên cô, tôi dằn lòng và đến nhà sau bẩy giờ một chút. Thế nên hai chúng tôi có gần một tiếng nói chuyện riêng tête à tête không gián đoạn, và tôi càng lúc càng mê say vẻ quyến rũ lạ thường của cô.
Tôi có rất ít kinh nghiệm với phụ nữ Hoa Kỳ trước khi gặp Clare, nên không thể biết là bản tánh thẳng thắn của cô là đặc biệt của riêng mình cô hay đó là dân tộc tính. Vì chắc chắn là có rất ít cô gái người Anh sẽ chịu nói là họ quí mến người đàn ông tới bực nào khi chỉ mới quen biết một thời gian ngắn, như cô gái Mỹ này. Tuy nhiên cô không cho cảm  tưởng muốn tán tỉnh mà chỉ là quả tim giầu tình thương mến, ái mộ và nhiệt thành. Lấy thí dụ về sự thẳng thắn của cô thì cô nói.
– Phút đầu tiên gặp anh tôi biết ngay là chúng ta đã quen nhau trước rồi và đã từng là bạn thân.
– Cô thực sự thấy như thế à ? tôi đáp, bạo dạn nắm lấy tay cô và cô để yên không rút lại. Tôi cũng cảm thấy thế.
Cô reo lên, dùng một câu mà rõ ràng là cô có thói quen hay nói.
– Thế thì đáng yêu biết mấy. Nhưng bây giờ nhớ lại thì tôi cảm thấy nó ngay cả trước khi gặp anh.
Tôi nhìn cô dò hỏi. Cô giải thích.
– Khi tôi đọc những bài thơ của anh, kể từ đó tôi hằng ao ước được gặp anh lần nữa.
Tôi đáp, nhìn cô đầy thương mến.
– Bây giờ thì chúng ta gặp nhau tại đây. Tôi hy vọng chúng ta sẽ gặp nhau được nhiều hơn nữa.
– Tôi chắc chắn ta sẽ được vậy. Cô trả lời đầy cảm xúc.
Chúng tôi yên lặng một lát và cả hai trầm tư nhìn vào ngọn lửa. Trước khi bà Delafield vào phòng, hai chúng tôi có một bước gần hơn đến việc thực hiện hy vọng của mình, là xếp đặt để lái xe đi chơi xa hôm sau, và ăn trưa với nhau ở miền quê.
...
Đó là buổi sáng chủ nhật đẹp trời, cô tới đón tôi lúc mười một giờ sáng. Mãi đến chiều tôi mới về mà ngay cả khi ấy tôi cũng chưa được thả xuống khách sạn, cô nhất quyết đưa tôi về nhà mình ăn tối.
Ngày hôm ấy tôi mong được thú thật tình cảm trong lòng, nhưng trước khi dám làm thế tôi thấy chuyện tối cần là phải khéo léo tìm hiểu quan niệm của cô về hôn nhân. Giả thử cô nuôi ước vọng về mặt đó thì sao ? Đúng là tôi lớn hơn cô gần 20 tuổi nhưng bề ngoài tôi trông không quá bốn mươi. Xem xét kỹ thì tôi cho rằng sự khác biệt về tuổi tác không nhất thiết là trở ngại với cô, nếu cô có ý muốn lập gia đình.
Tuy đó là đề tài khó đề cập trong cuộc nói chuyện, cuối cùng tôi cũng làm được và sung sướng khám phá là cô e ngại chuyện hôn nhân y như tôi. Trước hết cô và Mama, cô gọi mẹ như thế, hết sức thân cận và quyến luyến nhau, cô nghĩ rằng lập gia đình và rời xa mẹ là chuyện rất ích kỷ. Kế đó cô cho tôi hay rằng cả ba anh em trai của cô không ai có cuộc hôn nhân hạnh phúc, thế nên cô có lý do rất vững để tin rằng cuộc sống lứa đôi chưa hẳn là chuyện đáng ao ước.
Như thế về phần cô không còn trở ngại gì sau các thố lộ này, tuy nhiên tôi kềm lòng hoãn lại giây phút cho cô hay tôi thực sự có cảm tình với cô ra sao. Không phải vì tôi cho là cô không biết lòng tôi - ngày hôm ấy tôi tỏ nhiều dấu hiệu cho cô thấy - nhưng tôi nghĩ không cần vội vã, còn về phía tôi, muốn sự việc tới tột đỉnh là không khéo léo chi hết. Chúng tôi đang tiến đến việc hứa hẹn là một cuộc tình rất say đắm và đầy hứng khởi, vậy là đủ, về sau tôi biết thêm nó lại còn có ý nghĩa huyền bí cao độ. Quả thực chỉ vì điều sau này mà tôi đưa tình thân ấy vào sách bởi nó có liên hệ gián tiếp đến vị là Chân sư của cả hai chúng tôi.
Buổi tiếp tân mà cô và mẹ cô tổ chức 'để giới thiệu' tôi thuộc về loại tiệc tùng cho có của Mỹ, bạn bắt tay nhiều người  và chẳng có gì đáng nói xẩy ra, ít nhất là so với chi phí bữa tiệc theo tôi thấy. Hẳn phải có ít nhất là năm mươi người hiện diện, trong số có nhiều giáo sư đại học nhưng tới cuối tôi nghĩ kết quả là không có hy vọng kết bạn được với ai. Nhưng rồi diễn tiến cho thấy tôi không đúng lắm, vì thời gian sau đó tôi được mời dự nhiều bữa ăn tối vui vẻ mà cô cũng được mời.
Nói về thầy tôi không gặp lại ngài từ hôm thứ sáu, ngày hai chúng tôi lái xe đi chung. Hôm sau đó ngài phải đi New York và dự tính trở về ngày thứ tư để có buổi giảng, tuy nhiên khi chúng tôi đến nhà thầy vào tối cùng ngày thì một đệ tử báo là ngài gọi điện thoại cho biết sẽ về trễ. Thế nên chúng tôi chuyện vãn với nhau gần 45 phút đợi thầy, và bởi nay cô được nhập bọn đệ tử như chúng tôi và tới dự buổi giảng đầu tiên nên đối với tôi thì giờ không quá dài. Chuyện duy nhất tôi tiếc là tất nhiên buổi giảng sẽ phải ngắn bớt vì sự trễ nãi ấy.
Cuối cùng khi thầy M.H. vào phòng, ngài xin lỗi đã khiến chúng tôi phải chờ và nói rằng ngài bị lưu lại, sau đó thầy bước lên bục nhỏ và bắt đầu bài giảng mà tôi đặt tựa là 'Triết Lý về Tính Khôi Hài'.

Triết Lý về Tính Khôi Hài

– Vài sách về Yoga có nói đến bẩy điều khắc khổ, một trong bẩy điều là tính hân hoan. Ai chưa biết có thể lấy làm lạ tại sao tính hân hoan lại được xem là một điều khắc khổ nên thầy nghĩ tối nay chúng ta xem xét sự việc kỹ hơn một chút.
'Điều không cần phải nói là muốn hân hoan luôn luôn thì phải có ý chí, tức hễ ta chịu cố công là làm được. Dầu vậy ta để ý là nhiều người học về huyền bí học không gắng sức làm thế, và chẳng những không làm họ còn nỗ lực để sinh ra kết quả trái ngược hẳn là mặt dài ra nghiêm nghị, chỉ có trời biết họ nghĩ sao mà làm thế, và mặc y phục ngụ ý xa gần lòng sầu não, bi ai. Những người  tốt bụng này có ý nghĩ lầm lạc mà đầy nét sùng mộ, là vẻ rầu rĩ có nét tinh thần ít nhiều trong khi thực ra nó chỉ là lòng kiêu hãnh ngụy trang.
'Người  như thế đương nhiên tự coi trọng mình quá, họ cho rằng vì biết chút ít về Karma, Chân Sư, Luân Hồi, sự Bất Tử, họ phải tìm cách cho người  khác thấy có sự khác biệt giữa họ và người thường. Nhưng nếu thực sự cần phô điều khác biệt thì đó nên là sự vui vẻ mà không phải là sầu não. Ồ, thầy đoan chắc với các con, ngài thêm vào, các Chân sư không thấy có hân hạnh gì khi nghĩ rằng người  ta phải rầu rĩ vì biết được sự hiện hữu và chủ trương của các ngài.
Câu này khiến cả bọn cười phá ra.
'Nó làm thầy nhớ lại có lần nghe một trẻ nhỏ hỏi mẹ là có phải giáo sĩ mặc áo chùng đen là vì họ luôn luôn nghĩ đến cái chết ... có lẽ đó là lý do thực sự chỉ có điều họ không biết.
Ngài trầm ngâm một lát rồi tiếp.
– Bây giờ, đi cùng với nét hân hoan là một đức tính khác rất hữu dụng, tức óc khôi hài. Chính nhờ óc khôi hài mà chúng ta tránh không rơi vào sai lầm thầy vừa nói, tức khuynh hướng coi trọng mình quá độ. Trên thực tế ta nên thấy khía cạnh hài hước của mọi việc, bất kể đó là gì và dĩ nhiên thầy không muốn nói rằng ta không nên tự kiểm soát, lúc nào cũng có thể lăn ra cười được. Nếu có thể thấy khía cạnh khôi hài của mọi việc dù ta để lộ ra ngoài hay không, thầy đoan chắc với các con rằng chúng ta sẽ không hành động dại khờ như vẫn thường làm.
'Như các con biết, điều oái ăm lạ lùng của sự việc là chính những người thiếu óc khôi hài lại có đầy nét hài hước khi ai nhìn vào họ. Họ giống như người say rượu không thể thấy được hành vi của chính mình mà hành xử theo cách làm người  khác cười ngất. Đôi khi thầy nghĩ nếu những ai tỏ ra nghiêm trang đạo mạo có thể thấy chính mình như các Chân sư thấy họ, hẳn họ cũng sẽ phá  ra cười với chúng ta, mà đó là điều cứu chuộc cho người  như thế.
'Cách đây không lâu thầy để mắt tới một người có triển vọng làm đệ tử, mới bắt đầu học huyền bí học với nhiệt tâm khác thường hết sức đáng khen. Trước đó cô vui vẻ, hồn nhiên đầy hạnh phúc và óc khôi hài, tâm trí lành mạnh và thân xác mạnh khỏe, rất được bạn bè ưa chuộng. Như thầy nói, cô học huyền bí học và kết quả đầu tiên là cô thay đổi hoàn toàn. Cô mất đi vẻ hồn nhiên, không còn để ý tới bạn bè hay chăm sóc diện mạo, mất vẻ dí dỏm và khôi hài, nói tóm tắt cô trở thành người  sốt sắng nhất trong 'Đạo Quân Xị Mặt'.
Một tràng cười lan ra trong đám.
'Cuối cùng thầy dàn xếp cho cô đến gặp thầy. Cô tới, run rẩy lo lắng, làm như cô tưởng thầy là Chúa trời cau có gắt gỏng. Lẽ tự nhiên chuyện đầu tiên thầy làm là nói đùa, chỉ để làm giảm bầu không khí căng thẳng ! Tại sao các con lại cười trước khi biết thầy nói đùa chuyện chi ...'
Ngài nói sang bên lề để đáp lại chuỗi cười khác nổi lên.
– Thầy không nghĩ ... Tuy nhiên các con không sao biết đó là chuyện đùa gì, vì chính thầy đã quên. Sao đi nữa dù hay dù dở thì kết quả rất kinh ngạc là khách của thầy gần xỉu. Chân sư mà chọc cười ! Đây quả là điều không hề nghe tới trong triết lý huyền bí học của cô ! Cô được dạy để tin rằng Chân sư là người đạo mạo nghiêm khắc được thần thánh hóa, và cô thực sự bị thất vọng khi khám phá rằng các ngài không phải như thế. Cuối cùng thầy tiễn cô ra về với lời cấm không được đọc sách huyền bí học nào trong sáu tháng, mà thay vào đó chỉ được đọc Bernard Shaw, Chesterton và bất cứ tác giả nào dí dỏm đầy khôi hài cô muốn đọc. Thầy không nói gì việc gặp cô trở lại, nhưng nhờ một đệ tử nhắn khéo với cô rằng cách làm việc của các Chân sư có thể đầy bí ẩn, tuy nhiên nó không vô lý như cô nghĩ. Để cô có lòng kiên nhẫn, niềm tin và chờ đợi sự việc.
'May mắn là sau khi có xáo trộn tâm trí đáng kể vì cô bị vỡ mộng, niềm tin mạnh mẽ của cô thắng thế và một năm sau khi thầy gặp cô trở lại, cô được nhận làm đệ tử. Từ lúc đó cô học cách có được hay nói đúng hơn là có lại đặc tính thiêng liêng là sự tươi cười, hân hoan.
Chân sư ngưng một lát.
– Ngoài việc không ăn khớp đó, các con phải thấy điều hại mà chủ trương xị mặt có thể gây ra cho huyền bí học. Hãy nhớ rằng các con không đi trên đường Đạo chỉ để có lợi độc nhất cho mình, mà đi trên đó vì lợi ích cho tất cả. Thầy muốn biết các con đưa ra khuyến dụ nào cho người khác để khiến họ học huyền bí học, nếu ảnh hưởng duy nhất thấy được ở con là biến con thành kẻ rầu rĩ, gắt gỏng và hoàn toàn là người bất hảo trong xã hội ? con sẽ đáp lại ra sao với ai đến với con nói rằng.
– Tôi biết được một triết lý hay ho nhất trên đời và tôi cũng muốn bạn học hỏi nó, nó có khả năng không thể so sánh được là biến người ta thành khổ sở hoàn toàn ?
'Bây giờ sang điểm kế. Nối kết tính khôi hài với việc khắc phục những ham muốn không đáng và yếu kém của mình để làm gì ? Nếu chịu suy ngẫm một chút ta có thể làm được nhiều cho mình và cho cả người. Một đệ tử viết sách trình bầy rất hùng biện rằng mọi khuyết điểm của người  như ganh tị, hãnh diện, giận dữ v.v. chỉ là tính trẻ con, mà quả thật rất đúng (thầy khuyên các con nên đọc quyển 'The Way of the Childish' by Shri Advaitacharaya). Nhưng ta có thể đi xa hơn và nói rằng tất cả khuyết điểm của người đều là chuyện kỳ quặc và nó cũng đúng.
'Dầu vậy các con nên học thuật nhìn chúng như là vậy, thay vì có ảo tưởng rằng chúng cần thiết và lại đáng khen. Thí dụ rất giản dị là có một loại người thường là phái nữ mà ta có thể mô tả là dễ chạm tự ái, cô dễ bị phật lòng vì chuyện này hay chuyện kia không đáng. Một hôm con gặp cô và cô chào với mặt dài ra hay có vẻ khinh khỉnh mà con không biết có chuyện gì. Lâu sau đó con mới khám phá rằng mình đã không đến thăm lúc cô tin lẽ ra con phải đến, hay có lỗi vì sơ sót chuyện nhỏ nhặt nào đó. Suốt thời gian này cô nuôi sự phiền trách trong tâm đối với con, và xị mặt mỗi lần nghĩ đến con hay gặp con ngoài phố, không chừng cô cắt đứt giao thiệp với con một thời gian.
'Nhưng gốc rễ của vấn đề là gì ? Tất nhiên là thiếu óc hài hước. Thiếu phụ này không hiểu được rằng mình chỉ đang làm trò cười, cô tưởng mình đang xử sự có tư cách hay đang dạy con một bài học sáng giá theo cách cong quẹo này. Cô không hề nghĩ cô chỉ làm cho con thấy cô là người  rất khờ dại. Đó là thí dụ cho các con hiểu thầy muốn nói gì. Nếu tìm cách gợi cho người  như thế có óc khôi hài hữu ích thì con có thể chữa được cô. Nói cho cùng cô chỉ bị có một ảo tưởng, và chuyện khác cũng y vậy đối với bất cứ khuyết điểm nào nếu ta chịu khó phân tích tới nơi tới chốn.
'Hãy chọn một trong những khuyết điểm của con và thật lòng mổ xẻ nó, ráng tìm hiểu nguyên nhân và hệ quả và nếu con không sợ hãi và có đủ thành thật để đi tới tận cùng sự việc, con sẽ khám phá trọn câu chuyện chỉ là sự khờ dại. Thí dụ con thương yêu ai đó, luôn luôn muốn ôm vào lòng vuốt ve và rất đau khổ nếu không làm được như vậy thường xuyên. Con cũng có thể tuôn nước mắt vì không sao làm được vậy, do lòng ham muốn quá mạnh.
'Nào, hãy thử phân tích ham muốn đó và xem thật sự nó có nghĩa là gì. Con đang sống trong đời có cả ngàn thú vui và cả ngàn vật đẹp, có trời, biển, nắng, hoa, chim hót, bao vẻ diễm lệ trong thi ca, âm nhạc, sách vở, kiến trúc, tranh ảnh; bao nét khả ái trong hình dáng của hàng triệu người có thể cho con niềm vui vô tận chỉ cần con có thái độ thích đáng với họ. Nhưng đối diện với các vật đầy mỹ lệ này thì con làm gì ? Con thở dài sậm sượt và rên rỉ chỉ vì không thể chạm được vài phân hay vài tấc của lớp da người. Đó lại có thể là lớp da nhám, lông lá nhưng con không màng, chỉ vì nó thuộc về một người  đặc biệt trong hằng triệu người  trên thế giới.
'Giờ thầy muốn hỏi các con, con có nghĩ là mình kỳ quặc không ? Có phải là con quan trọng hóa chuyện thật nhỏ nhoi ? Tại sao trọn hạnh phúc của con lại chỉ tùy thuộc vào việc đặt môi con dài vài cm vào môi người khác cũng chỉ vài cm ? Hẳn óc suy luận của con đã bay mất. Các con cười - nhưng thầy diễn tả nó theo đường lối thô sơ này là có dụng ý. Chúng ta đang cố gắng nhìn sự việc hoàn toàn không có nét mê hoặc nào, bao lâu mà con chỉ nhìn nó trong bầu không khí lãng mạn có nụ hồng và nước hoa, con sẽ không có được căn bản của thực tại.
'Nhưng hãy gạt các điều ấy qua bên và xem xét sự kiện khô khan rồi thì con sẽ biết như thế nào. Đó là cách nhìn vật theo đúng tầm mức, lấy lại đầu óc bình thường và tính hài hước. Tính chót này làm quân bằng tâm tánh của chúng ta. Con nghĩ ai mất trí có cho mình là đức Chúa hay vua nước Anh không nếu họ không mất cả óc khôi hài cùng ý thức về thực tại ? Ta có thể nói rằng họ chỉ cần nhìn xuống chân mình là đủ có mình đang ăn nói tầm phào. Đức Jesus có hề mặc quần không ? Chắc thầy không nên hỏi câu như thế, Chân sư biện luận với nụ cười đặc biệt của ngài, có người cho đó là thiếu tôn kính nhưng đó là vì họ không xem đức Jesus như là một thực tại, giống như Bernard Shaw viết rất đúng. Nếu xem được vậy ta có thể khiến họ áp dụng lời ngài nhiều hơn là vẫn làm.
'Chúng ta phải nuôi dưỡng óc khôi hài cùng với sự hân hoan không ngừng nghỉ của trí tuệ, bằng không ta sẽ không có được minh triết, Thượng đế cho tất cả chúng ta khả năng ấy nếu ta chọn sử dụng nó. Nó nằm đó chờ đợi và con phải làm cho nó biểu lộ. Nếu có ba chân thay vì hai thì ba chân có ích gì nếu con không học cách sử dụng chúng ? Thực hành là chìa khóa mọi chuyện, con thực hành để có khả năng làm dễ dàng thuật này, kia hay nọ nhưng không thuật nào đáp trả cho con nhiều bằng việc thực hành lòng hân hoan vui vẻ sẽ mang lại cho con.
'Hãy tự nói đi nói lại 'Tất cả là niềm vui'. Chìm vào giấc ngủ buổi tối với câu ấy trong trí, và sáng vừa thức dậy thì nhớ đến nó ngay. Rồi ngày kia nó sẽ bắt đầu làm việc một cách vô thức và con giữ lại niềm vui ấy như là tâm thức trường tồn. Có bao giờ con tự hỏi mình tại sao một số người thấy không ích kỷ là chuyện quá khó ? Nó chỉ vì con chưa bắt được rõ ràng cảm xúc hân hoan rạng rỡ này. Con không thích làm một số việc không ích kỷ vì chúng làm con chán và làm con lo, nhưng giả thử con luôn luôn có tâm hân hoan vui vẻ, thì có việc gì trong đời làm con chán được không ?
'Thế nên trước hết hãy đi tìm sự hân hoan vui vẻ rồi con sẽ có được thêm mọi việc khác, ngay cả lòng không ích kỷ !' 

 

CHƯƠNG   VII 

TÌNH  THƯƠNG  VÀ  HỨNG  KHỞI

 

Sau buổi giảng tối hôm ấy, tôi đi bộ đưa cô Clare về nhà. Ra khỏi phòng giảng tôi hỏi cô.
– Thế nào, cô nghĩ ra sao về bài giảng ?
– Tuyệt diệu ! nhưng không giống chút nào như tôi tưởng. Trời ! ngài khôi hài thật khéo léo. Trước đây tôi không hề liên kết triết lý và tôn giáo với óc khôi hài.
Tôi thêm.
– Hay nhìn thẳng vào sự việc.
– Vâng, đó cũng là chuyện mới mẻ khác đối với tôi.
Tôi dè dặt ướm lời.
– Cô không thấy lạ lùng chứ ?
Cô đáp lại mạnh mẽ.
– Không chút nào hết, thế nhưng tôi không quan niệm tình yêu theo cách ngài nói. Anh thấy sao ?
– Cô muốn nói thí dụ về vài cm da người ?
– Mm ..., cô gật đầu.
– Chính ngài không nhìn sự việc giống vậy. Tôi có nghe ngài nói cách khác hẳn.
– Thế tại sao ngài lại nói như vậy ?
– Theo tôi đoán, cố nhiên chỉ dựa vào điều tôi biết về ngài, đó là vì ngài muốn chúng ta nhìn sự việc theo mọi quan điểm. Nhưng tôi có nghe ngài nói là vài người có thể tiến hóa mau hơn bằng cách biết yêu so với những cách khác.
Cô đột nhiên nhìn tôi với vẻ vui sướng trong mắt như đứa trẻ nhìn khi bạn nói rằng có quà cho em. Cô nói.
– Anh thực sự nghe ngài nói vậy à ?
– Vâng, thực thế.
– Chà, nó làm tôi nhẹ người. Cô thở phào một cách hài hước. Có vài ý tưởng mà cho kẹo tôi cũng không bỏ được.
– Tôi nghĩ cô không có gì phải sợ. Tôi nói để cô yên lòng, cô không biết thầy thông cảm tới bực nào. Cô có biết ngài nói gì hôm tôi ăn trưa với cô không ?
– Xin anh nói nghe.
– Rằng tình yêu lãng mạn cần cho thi sĩ vì chúng giúp họ có hứng.
– Ngài thật đáng yêu ! Nhưng ... vậy là anh có nhiều mối tình lắm phải không ?
– Tùy cô nghĩ nhiều là sao, lâu lắm rồi tôi chưa được yêu, cho tới ...
– Cho tới cái gì ?
– Cho tới khi tôi sang đây.
– Anh muốn nói, bây giờ anh có một mối tình ư ? Cô vội vã hỏi.
– Tôi muốn có một mối tình, nhưng cần phải có hai người mới có tình yêu phải không ?
Cô yên lặng, làm như cô không biết nên nói gì nên tôi cầm cánh tay cô và đan bàn tay tôi vào bàn tay cô.
– Nói tôi nghe, tôi vừa hỏi vừa cười, cô thực sự không hiểu hay chỉ làm bộ thôi ?
Cô nghiêng đầu qua bên và nhìn tôi một cách đùa cợt.
– Chắc có mỗi thứ một ít, cô trả lời, ngưng lại một chút rồi tiếp. Có vài điều phụ nữ muốn được nghe thốt lên ...
– Vậy anh sẽ nói ..., tôi đáp lại và thốt lời.
...
Trước khi đưa Clare về nhà tôi đã xếp đặt để hôm sau đến nhà thầy ăn trưa. Viola Brind cũng được mời nhưng theo dự tính tôi sẽ đến sớm nửa tiếng trước giờ ăn để có thể nói chuyện riêng trước khi cô tới. Tôi gặp ngài và Arkwright nhưng anh chàng sau mấy câu thăm hỏi xã giao thì dông mất.
– Nào, thầy M.H. tươi cười nói, sáng nay trông con vui vẻ quá.
– Vâng, chính thế. Tôi cười to và đáp.
– Mọi chuyện êm xuôi ở Boston chứ ?
– Hết sức tốt đẹp ạ, nó hay tới mức đêm qua con không ngủ được.
– Nghe nghịch lý.
– Khi tư tưởng khoan khoái dễ chịu khác thường thì người ta khó mà quên nó và chìm vào giấc ngủ.
– Ra thế.
– Con tự hỏi thầy có bao giờ ngủ không ?
– Tại sao không chứ ?
– Vì cùng lý do như trên mà còn hơn nữa. Nếu con có được niềm an lạc vĩnh cửu như thầy thì chắc chắn con không bao giờ muốn mất nó do đi ngủ.
Thầy nhìn tôi cười dễ dãi.
– Nhưng thầy không mất, thầy chỉ mất ý thức về thân xác thôi.
– Điên thật, tôi kêu lên, lấy tay vỗ trán, chừng nào con mới hiểu trọn vẹn chữ vô điều kiện ?
– Có ngày con sẽ nắm được nó, nếu ...
– Con thực hiện chương trình của thầy, tôi tiếp lời, đoán ấy là điều ngài muốn nói.
Chân sư gật đầu tán thành nhưng lập tức chuyển đề tài.
– Con gặp cô Viola Brind  rồi chứ ?
– Con có buổi ăn trưa  hết sức thích thú với cô, cô thuật con nghe mọi việc về lần cô gặp thầy.
– A, cô nói à ? Thầy nói với vẻ hóm hỉnh của ngài. Thế hai con trò chuyện vui vẻ ?
– Ồ, con nghĩ vậy. cô thực là cô gái lạ lùng hết sức.
– Cô như vậy đó.
– Xin nói con nghe, tôi thưa, đột nhiên nhớ lại thắc mắc mà tôi định hỏi ngài, có phải là thầy nghĩ con có thể giúp về mấy cuốn sách cô viết phải không ?
– Có một phần, câu trả lời không sát cho lắm nên tôi vẫn thấy mù mờ, rồi thầy lại đổi câu chuyện nên tôi nghĩ hẳn ngài không muốn tôi theo đuổi đề tài. Còn cô Delafield con có gặp không ? Ngài hỏi.
– Còn hơn là gặp cô, con yêu cô rồi. Tôi thưa mà có hơi ngượng ngùng, con mong thầy không nghĩ là ở tuổi của con ...
– Chuyện đó không đáng, ngài tiếp lời mà mắt lộ nét tinh ranh, ngược lại nó cho thấy quả tim vẫn còn trẻ. Con à, nếu đi trên đường Đạo việc cần thiết là giữ được sự trẻ trung của trái tim. Ngoài ra có gì cấm cản đệ tử các con biết yêu dù lớn tuổi bao nhiêu ? Nhân quả thế nào thì sẽ tới thế ấy.
'Sao đi nữa, ngài mau mắn tiếp, các con nên dùng óc phân biện và đừng để sự lãng mạn khiến mình bỏ lơ công việc hay chương trình mà Chân sư có thể nhắm tới cho mình. Trong trường hợp của con hãy nhớ rằng hoạt động nghệ thuật luôn luôn đứng đầu, vì chúng là dành cho cả thế giới. Con viết để chỉ dẫn nhân loại và cho nhân loại những lý tưởng cao thượng hơn. Chớ bao giờ quên điều ấy. Và đặc biệt đừng quên nó trong khi lòng say đắm cuộc tình lãng mạn, mà hãy để tình yêu dào dạt và nỗi hân hoan con cảm được thêm trong trường hợp như vậy gợi hứng cho con.
Khi tôi viết những điều này tôi nhớ lại một đoạn trong bài giảng của thầy với cả nhóm, bàn về cách làm sao nhân quả của mối tình ngoại lệ trong một số trường hợp có thể cho bài học, đặc biệt là cho người nữ. Tôi ghi lại điều ấy ở đây vì nó giải thích thêm tại sao thầy M.H. trên thực tế không hề can thiệp vào cuộc tình của chúng tôi. Thầy nói trong bài giảng rằng.
– Đa số phụ nữ khi yêu thường không muốn cho không mà không đổi lại việc gì khác. Họ không chịu hạ thấp lòng kiêu hãnh của mình mà không đòi có gì trao đổi lại, thường thường họ hy vọng chiếm được người đàn ông khi lập gia đình nếu không ngay lúc ấy thì về lâu về dài sẽ được. Nhưng hãy nghĩ con có thể nâng cao người nữ như thế nào nếu con khiến được họ thương yêu người đàn ông không phải cho mình mà cho thế giới, để qua việc cho ra tình thương của cô người đàn ông có thể được gợi hứng và nhờ hứng khởi  đó nhân loại được phong phú hơn. Con có thấy là bằng cách đó con có thể đẩy mạnh sự phát triển tinh thần của người nữ gần như nhiều hơn bất cứ phương pháp nào khác ? Thầy muốn nói con chỉ dẫn được cô bằng việc quên mình to lớn. Và giả dụ thế giới thiển cận không có lòng thương lại chê bai cô, xét đoán khe khắt gọi cô bằng chữ không đẹp thì chẳng phải là đáng công sao ? Vì nếu chuyện ấy xẩy ra, cô cũng sẽ học được tánh anh hùng và thản nhiên với những tị hiềm ganh ghét của đầu óc tầm thường.
Nhưng tôi đã ra ngoài đề nên xin trở lại. Tuy thầy M.H. tự nhiên là không đề nghị tôi thực sự hỏi xin tình yêu của Clare hay bất cứ người nữ nào khác để hứng khởi văn chương được dồi dào, ngài có nhắc cho tôi nhớ rằng chỉ có ai thấu hiểu bản chất người nữ tận căn nguyên mới có thể hiểu trọn vẹn nỗi hân hoan cô cảm thấy, khi nghe người tình mà cô thương yêu nói rằng nhờ cô gợi hứng mà anh có tác phẩm vĩ đại hơn.
Có tiếng gõ cửa và Viola Brind  bước vào. Cô ăn mặc hợp thời trang, theo kiểu làm nổi bật thân hình nhỏ nhắn thanh nhã của cô, và phút ấy tôi cảm thấy mình yêu mến cô như người anh, nhiều hơn là trước đó.
– Nào, Viola, thầy M.H. thân ái vỗ vai cô, chúng ta sẽ có buổi ăn trưa thân mật à trois. Hy vọng là con đói chứ ? Đạo sư Vivekananda hay nói rằng dầu hiệu đầu tiên của tôn giáo chân chính là có khẩu vị tốt, bởi trái tim sẽ an ổn khi khẩu vị tốt lành.
Cô cười để trả lời và rồi bắt tay tôi. Thầy M.H. vào phòng và tôi nghe thầy kêu to bằng tiếng Ý.
– Alberto, bữa trưa sẵn sàng rồi chứ ?
– Si, Signor. Có câu đáp lại, xong ngài trở vô và gọi chúng tôi  sang phòng ăn.
Bữa ăn trưa của thầy là vừa linh đình vừa thanh bai. Nhiều loại trái cây đặt đầy bàn tạo nên cảnh tượng đẹp mắt, có những chùm nho lớn, cam, táo, chuối, lựu, bưởi với đủ loại hạt. Món đầu tiên dọn cho chúng tôi là oeufs à la crème, sau đó là món làm bằng hạt kèm theo nhiều thứ rau. Rồi tới bánh chocolate thật ngon lành phết kem, kế tiếp là cheese, bánh nướng và rau cần. Cuối cùng đến trái cây.
Trong bữa ăn thầy M.H. kể chuyện xen lẫn với minh triết, ngài cũng bình luận về chính trị trên thế giới và ý nghĩa huyền bí của những cuộc cách mạng, về khuynh hướng lạ lùng của hội họa đương thời, và nhiều đề tài khác lúc bấy giờ. Ngài bàn những chuyện này đôi lúc với cung cách đáng yêu như của trẻ thơ và sự dí dỏm làm Viola Brind  và tôi nhiều lần phá ra cười lớn.
Quả thật buổi ăn trưa ấy là một trong những giờ phút vui thú nhất mà tôi có được trong nhiều năm, khi đứng lên rời bàn tôi cảm nhận rõ hơn bao giờ hết những quyền năng lạ thường mà Chân sư có, và sự lẹ làng mà thầy có thể đổi từ tâm tình này sang tâm tình kia, tôi có thể nói là từ cá tính này sang cá tính khác. Khi tôi nghĩ lại tất cả những gì ngài chỉ mới nói một lúc ngắn trước đó và đặc biệt vào lúc ấy tôi thấy ngài thật sáng suốt, già dặn, thì tôi khó mà có thể tin ngài và khi ấy là cùng một người.
Để dẫn thí dụ cho việc này, khi chúng tôi  ngồi uống cà phê tôi nói với ngài.
– Chuyện con không hiểu về người có thông nhãn mà con cho là đã biết hết mọi việc, là sao họ phải đặt câu hỏi.
Cả hai người Viola Brind và thầy phá ra cười. Cô nói với ngài.
– Con để thầy trả lời.
– Lười thật, ngài trêu cô, luôn luôn để thầy phải làm mọi việc.
Dầu vậy ngài cho tôi hay điều muốn biết bằng cách hết sức tự nhiên.
– Ai có thông nhãn thì cũng là người như kẻ nào khác. Nói cho cùng thì bởi họ có thể biết nhiều chuyện về con, sự việc sẽ hóa chán nếu họ ngồi đó như người câm điếc và cho cảm tưởng là họ không để ý chút gì đến bất cứ chuyện nào của con. Thế thì khi hỏi chuyện là họ nhắm đến cảm xúc của con. Chẳng hạn Viola và thầy dự hòa nhạc tối qua, sáng nay con gặp cô sớm và cô nói, 'Thầy M.H. và tôi thích buổi hòa nhạc lắm,' điều ấy không cấm con hỏi khi gặp thầy là, 'Thưa, hòa nhạc có hay ?', phải không ?
'Nói cho sát thì bao lâu mà ta còn sống trong thế giới, ta phải thích ứng với đa số tập tục ở đời. Có lẽ chuyện không đáng kể cho chính bản thân thầy nếu thầy nói, hay giữ yên lặng, hay đá sỏi cát ngoài đường, nhưng nó có thể rất đáng kể cho thân hữu của thầy. Ngoài ra dù con do học hỏi biết được cách thức hoạt động lạ lùng của thầy, còn rất đông người khác sẽ rất kinh ngạc nếu khi gặp họ thầy vanh vách kể cho họ hay hết mọi chuyện về chính họ, thay vì hỏi han. Sherlock Holmes làm thế trong chuyện thì được, nhưng ngoài đời ta không nên làm vậy. Khoe khoang cách ấy là thiếu đạo đức.
Tôi nói.
– Điều con thán phục hết sức ở thầy là thầy luôn luôn sẵn lòng giảng giải về mình thay vì biến nó thành chuyện bí ẩn.
– Không có gì là bí ẩn cả, ngài tuyên bố, chẳng phải chúng ta (các Chân sư) biến mình thành chuyện bí ẩn, mà đó là người khác làm vậy. Có người mê say muốn cái gì cũng phải bí ẩn và chúng ta thành nạn nhân không may của họ. Không nhất thiết là một việc trở nên bí ẩn khi nó bị che dấu. Tia X bị che dấu nhưng việc ấy không  khiến nó thành bí mật hay huyền bí. Chữ 'huyền bí' (occult) là chữ không may nhưng nó đã được dùng thành ra bây giờ rất khó xóa bỏ. Dĩ nhiên có một số điều chúng ta không thể nói cho bất cứ anh Ổi, chị Xoài biết vì họ sẽ lạm dụng quyền năng của mình, gây hại cho chính bản thân và người khác. Hãy xem người ta tự gây thương tích ra sao cho mình khi mới bắt đầu dùng tia X, nhưng so sánh thì tia X tương đối vô hại bên cạnh những lực gọi là huyền bí. Chúng ta phải giữ bí mật những lực này đối với thế giới nói chung, vì chúng ta không dám nhận trách nhiệm của việc tỏ lộ chúng. Chỉ có thế mà thôi, con không thể ...
Chúng tôi  bị cắt đứt vì Alberto đi vào cho hay xe đã chờ trước cửa.
– Nhân tiện, thầy M.H. nói và đứng dậy khỏi ghế, nếu chủ nhật trời đẹp ta có thể về miền quê chơi, các con nghĩ sao ? Chủ nhật này thầy không rảnh nhưng tuần sau đó ...
Chúng tôi  nói rất vui lòng.
– Bây giờ thầy phải đi.
Tôi đi bộ cùng Viola Brind  đưa cô về tận cổng nhà rồi đến Clare dùng trà với tâm hồn thanh thản.

 

CHƯƠNG   VIII 

LÒNG  ÍCK  KỶ

 

Tới thứ bẩy tuần sau tôi đã đến cư ngụ tại Hội Quán Nghệ Thuật, và bởi chỗ này cho phép mời quí bà quí cô đến chơi, tôi mời cô Viola Brind ăn tối hôm ấy. Kết quả là một bước tiến đáng kể đến tình bạn mà Chân sư muốn có giữa hai chúng tôi, tuy cả hai tôi vẫn không biết hậu ý của nó là gì. Cô thú thật là thầy dặn cô hãy làm thân với tôi, và tôi đoán ngài dùng gần y những chữ như khi dặn tôi làm thân với cô, nghĩa là với ý định giúp đỡ lẫn nhau, nhưng giống như tôi cô cũng không biết là giúp chuyện gì.
– Tôi có thể hiểu là anh với tài năng lạ lùng về thơ văn, cô bảo, có thể giúp tôi, nhưng làm sao tôi giúp anh thì thật tình tôi không nghĩ ra.
– Tôi cũng nghĩ như vậy với cô, tôi cười. Cô có thể giúp tôi với khả năng siêu hình mà cô có, bởi tuy tôi có thể chỉ cô một chút về cách viết văn nhưng nó thật nhỏ bé không đáng nói chút nào.
– Thầy bảo anh khiêm nhường có tiếng, cô chọc tôi.
– Tôi nghĩ tốt hơn mình đổi đề tài đi !
Tôi phá ra cười và bắt đầu nói về bài giảng của thầy tối thứ tư trước và ngụ ý của nó về tình yêu của con người. Từ đó tôi có thể bắt qua đề tài về tình cảm tha thiết của tôi với cô Clare. Không phải là tôi đặc biệt muốn thổ lộ tâm tình với Viola Brind vào phút ấy, nhưng tôi biết rằng không gì làm tình bạn gắn bó mau lẹ bằng việc trao đổi chuyện lòng của nhau. Và lời thổ lộ của tôi mang lại kết quả là cô trao đổi chuyện của mình; sau khi lắng nghe tôi một lúc đầy thông cảm thì cô kể lại chuyện tình của cô. Viola cho tôi hay là trong mấy năm qua cô thương yêu một người bên Anh. Người này đùa giỡn với tình cảm của cô một cách ích kỷ, vì - tôi đoán là tình cảm ấy  vuốt ve lòng kiêu hãnh của anh chàng, cùng lúc anh lại có nhiều cuộc tình khác và thuật hết cho Viola hay không chút ngượng ngùng. Về phần cô thì chấp nhận chuyện của anh kể, thông cảm với anh một cách cao thượng với lý do cô đưa ra là thà có tình bạn của anh còn hơn không có chi hết.
– Ít nhất tôi học được một điều, cô bảo tôi, là thắng được lòng ghen tuông.
Cô vẫn còn vướng mắc trong chuyện tình xui xẻo ấy lúc thầy M.H. viết thư gọi cô sang Mỹ. Viola thấy việc chia tay - rời bỏ khỏi anh chàng - thật đau lòng, nhưng viễn ảnh được gặp Chân sư đẩy lui hết mọi đắn đo khác. Hơn nữa cô ý thức rằng có thể sự chia cách làm cô cuối cùng quên được cuộc tình, và ba cô mau lẹ giúp cô ra đi vì ông biết cô đau khổ cùng lý do sinh ra nó. Khi cô cho ba hay về lá thư của Chân sư và dự định ngài muốn cô làm, ông chịu hết phí tổn, thu xếp cho con đi ngay Boston không chậm trễ.
Lẽ tự nhiên sau khi cô thuật hết mọi điều thì tôi hỏi việc chia lìa có mang lại kết quả mong ước chăng.
– Có phần nào, cô đáp. Tôi vẫn còn thương nhớ anh ta nhưng tôi không còn đau khổ nữa. Chân sư dạy tôi cách vượt qua nỗi đau khổ của mình. Anh biết mà, có cách chứ. Có nhiều cách để làm, câu hỏi là tìm cái hợp nhất với tâm tính của mình. Anh không cần nó đâu, cô nói thêm với một nụ cười, nhưng biết đâu đó. Thầy M.H. hay nhắc nhở tụi mình phòng xa thì vẫn hơn.
Khi đưa cô ra xe taxi tôi siết tay cô thân ái một chút.
– Chúng ta là bạn nhau, phải không ?
– Bạn tuyệt vời, cô đáp.
...
Trong mấy ngày sau đó tôi không gặp thầy M.H.; ngài quá bận rộn nên không cho tôi cái hẹn nào nhưng tới thứ tư dĩ nhiên là tôi đến nghe giảng buổi tối. Tôi đã ăn tối sớm với Claire và mẹ cô nên đưa cô đến nhà thầy.
Khi thầy M.H. sắp bước lên cái bục nhỏ để giảng, ngài ung dung cầm lấy cuốn sách mà một đệ tử bỏ quên trên bàn để xì gà và bình nước cạnh ghế của thầy.
– A ha, 'The Egoist' của Meredith, ngài đọc và lật vài trang. Xem nào, có nhiều người như thế gặp trong ...'Rogue in Porcelain' - thầy nhớ ra rồi. Thầy đã đọc quyển này khi nó vừa ra. Có lần thầy trò chuyện ngắn ngủi với Meredith về triết lý. Ông có trí óc rất thanh cao, và diện mạo cũng rất đẹp.
Ngài đặt sách lên bàn trở lại và ngồi xuống.
– Thầy nghĩ tối nay ta hãy nói về đề tài lòng ích kỷ, thầy bảo, để xem nhìn về mặt triết lý thì nó như thế nào và căn nguyên của nó là gì. Mặt hiển hiện của tính ấy không đẹp cho lắm vì nó hàm ý tâm thức bị giới hạn thay vì rộng mở, nhưng thầy không có ý bàn về mặt hiển hiện, nó quá rõ ràng không cần bàn thảo, mà thầy muốn nói đến mặt tinh tế hơn, cái đối chọi với lòng ích kỷ không che dấu.
'Để bắt đầu thì thật ra khi nói tính ích kỷ là ta muốn nói đến điều gì ? Không phải tính tự phụ rành rành trước mắt nhưng là tính ít thô lỗ hơn. Nó giống tính coi trọng mình và công việc của mình quá đáng là tính thầy nghĩ sinh ra phần nào từ óc khôi hài chưa nẩy nở trọn vẹn. Người có tính này có vẻ như hoàn toàn không thể tách rời khỏi công việc của họ, họ giống như một loại người chơi đàn tài tử - hay có khi cả người chuyên nghiệp - không thể rời cây đàn nửa bước, phải luôn luôn chơi đàn ngay cả khi không có ai nghe.
'Nói cho công bằng thì không phải chỉ có nghệ sĩ là người giống vậy. Thầy biết có người viết về đề tài huyền bí học, người Thông Thiên học, huyền bí gia, chính trị gia, nhân viên xã hội, khoa học gia, là ai thì không quan trọng, biểu lộ tính ấy; họ không ý thức nó nhưng thân hữu nhận biết và chẳng bao lâu đâm chán. 'Lúc nào cũng chỉ nói một chuyện !' thân hữu nghĩ vậy, 'phải chi hắn ngậm miệng một chút hay nói sang chuyện khác phải hay hơn không !' Và không phải chỉ có thân hữu mới nghĩ vậy mà luôn cả những ai đọc sách của họ, nếu đó là văn sĩ hay ai khác như thầy vừa nói.
'Dù đề tài cao siêu thế mấy tính ích kỷ này cũng len lỏi vào giữa những hàng chữ. Những văn sĩ này xem ra bị ám ảnh với chữ 'thiêng liêng', tính thiêng liêng của điều họ viết và đặc biệt là sứ mạng của họ. Họ cho rằng không nên nói đùa về sứ mạng ấy thành ra họ nín thở mà viết và nói, và chắp tay dòm trời không nghĩa đen thì nghĩa bóng thật kính cẩn mê say. Thầy biết có phụ nữ lậm thói quen này đến mức ngay trong lúc chuyện vãn thông thường, cô cũng nói làm như đang cầu kinh. Cô có tâm tính đẹp đẽ và là một đệ tử nhưng cô sẽ phải có óc khôi hài nhiều hơn, trước khi có hy vọng đắc đạo.
'Bây giờ, lời giải thích cho những chuyện trên là gì ? Xem nào, nó là một chặng, một khúc trên con đường đa số linh hồn phải đi qua. Ta hãy xem xét câu này kỹ hơn một chút. Khi óc chú tâm chưa được luyện kỹ thì các con thấy là mình có thể tập trung vào chuyện này mà không vào chuyện kia được. Có người thấy tập trung vào chót mũi mình thì dễ hơn là vào một tư tưởng trừu tượng hay ngược lại. Nhưng hãy nhớ kỹ, chỉ khi nào con có thể tập trung vào bất cứ điều gì con muốn, thì mới thành thạo hoàn toàn khả năng tập trung tư tưởng.
'Có một loại tập trung tư tưởng giới hạn như khi con ngồi yên năm phút và tập chú mục vào một ý tưởng, mà cũng có loại không giới hạn theo nghĩa một tư tưởng hay vấn đề luôn luôn nằm trong trí năm này tháng kia. Hình thức tạm thời của loại này thấy khi con biết yêu. Con không ngồi xuống và cố ý tập trung tư tưởng vào người yêu, nhưng trên thực tế lúc nào con cũng nghĩ đến chàng hay nàng. Như vậy cũng tốt vì con biết là thầy không hề khuyến dụ các con đừng có bạn tình, chỉ vì thầy biết rằng ngoài những chuyện khác việc có người yêu là chuyện rất tốt lành về mặt tập trung tư tưởng.
'Nhưng đó là nói ngoài lề, điều chúng ta quan tâm lúc này là việc tập trung tư tưởng vào một ý tưởng hay vấn đề chẳng những có thể kéo dài cả đời, mà còn gần như nhuộm mầu mỗi giây phút trong đời nữa. Hãy nhìn lại chính các con, triết lý cao siêu, huyền bí học hay khoa học Yoga - tên gọi không quan hệ - không ngừng hiện diện trong trí con tới nỗi nó thấm nhuần mọi sinh hoạt của con, mọi tình cảm và tư tưởng. Đó là loại tập trung tư tưởng mạnh mẽ nhưng chưa hoàn toàn. Và tại sao ?
'Vì nếu con không thể ngưng nó lại khi khung cảnh đòi hỏi phải làm vậy, là con chưa làm chủ hoàn toàn cái trí. Bởi có việc tập trung tư tưởng thiếu khôn ngoan. Thầy biết có người tập trung tuyệt diệu đến mức nếu con bắn súng trước mặt thì họ cũng không nhúc nhích. Người này không phải là huyền bí gia, anh chàng là giáo sư và không để ý chút nào đến chuyện huyền bí, nhưng anh ngồi trước lò sưởi và đắm chìm vào tư tưởng đến mức không gì có thể làm anh tỉnh người lại trừ việc lắc mạnh anh ta. Tuy có khả năng tập trung lạ lùng và đáng khen như vậy, anh chưa làm chủ cái trí, một hôm anh đến dự tiệc mặc áo khoác đúng bộ nhưng quần thì mầu khaki. Anh chú tâm vào phần trên thân hình mà không màng gì đến đôi chân.
'Rồi có người khác chú tâm vào tư tưởng của mình tới nỗi ngồi yên trên xe lửa chạy luôn qua trạm của họ. Đó là một hình thức khác của việc tập trung thiếu suy xét, hay chưa hoàn toàn làm chủ cái trí. Nếu con không thể suy nghĩ mà không tập trung đầu óc thì đó không phải là phước mà là hại. Tình trạng lý tưởng là khi người ta có thể nói, 'Còn một khắc nữa thì tới trạm phải xuống, trong đúng khoảng thời gian đó tôi sẽ tập trung tư tưởng và không quá một giây'. Những chuyện như vậy là cái hại của việc tập trung tư tưởng giới hạn, nhưng với loại tập trung tư tưởng lớn hơn kéo dài suốt cả đời thì cái hại là lòng ích kỷ.
'Ta đã trưng ra chứng bệnh, vậy cách chữa là gì ? Ta có nên dội nước lạnh vào nhiệt tâm và bớt nghĩ đến vấn đề hay bất cứ chuyện gì khác không ? Không, vì làm vậy là đi thụt lui thay vì tiến tới. Chúng ta phải dùng sự khôn ngoan để làm trầm nhiệt tâm lại. Hãy học bài học đáng kể là sự nghiêm trang và óc khôi hài không phải là kẻ thù, mà là đồng minh rất thân thiết. Thử xem một thí dụ tầm thường này, thầy có chuyện phải đi Chicago nên mua vé và lên đường. Lẽ tự nhiên thầy coi trọng chuyến đi bằng không thay vì đến nhà ga đúng giờ, thầy sẽ lần khân hay tính toán sao cho trễ tầu. Bây giờ khi lên xe lửa ngồi đâu đó yên chỗ rồi, thầy có không nói chuyện gì ngoài chuyện là đang ở trên tầu, đang trên đường tới Chicago, phải dài mặt ra không pha trò về xe lửa, du lịch, hay ngay cả Chicago, hay lý do phải đi tới đó ?
'Chắc chắn đó không phải là hành vi của người hợp lý. Ngoài ra nó còn muốn nói gì khác ? Đó là tình trạng tâm thần rối loạn cao độ. Coi một việc nghiêm trọng là chuyện đúng, nhưng xem nó quá đỗi nghiêm trọng thì không khôn ngoan, dù rằng nói vậy nghe có hơi nghịch lý. Tuy nhiên điều nghịch lý này chính là điều các con cần phải học cùng với nghệ thuật của con, huyền bí học, công việc hay bất cứ điều quan trọng gì mà con quý chuộng trong lòng. Mà còn một bài học khác lớn hơn nữa con cần học để có thể tới đích. Triết lý của chúng ta dạy các con rằng chỉ có Một Sự Sống, Một Tâm Thức. Thế thì Sự Sống Duy Nhất ấy thấm nhuần mọi vật và do đó thấm nhuần mỗi người trong các con. Có nghĩa con tùy thuộc vào Sự Sống duy nhất ấy để có từng nguyên tử năng lực và cho trọn các hành động của mình.
'Hãy lấy thí dụ con tạo nên một tác phẩm nghệ thuật, vậy thì người tạo nên tác phẩm nghệ thuật ấy là con tức ông hay cô X, hay đó là Sự Sống Duy Nhất, Brahman, hay Thượng đế tạo nên nó qua con ? Trọn mấu chốt vấn đề nằm ở đó, và đó chính là điều các con quên đi. Giả dụ con viết sách nhưng một người bạn cho con tất cả những ý tưởng trong sách đó, con sẽ nhận hết công trạng về phần mình chăng và không hề nhắc đến tên người bạn ? Con sẽ làm vậy nếu là người xấu bụng, không biết ơn. Con có thể thành thật nói là tự mình viết trọn cuốn sách đó ?
'Như thế con thấy là Maya sinh ra cá nhân chủ nghĩa, cái huyễn tưởng nói rằng 'tôi' là người hành động, 'tôi' là người sinh ra ý tưởng, 'tôi' nghĩ ra tình tiết câu chuyện, trong khi thực ra Thượng đế là người làm tất cả những việc ấy qua con. Con lấy đâu ra năng lực để sống chứ ? Từ Sự Sống chung. Con lấy đâu ra chất liệu để tạo nên cơ thể ? Từ Vật Chất chung. Con lấy đâu ra không khí để thở ? Từ bầu không khí chung. Con lấy đâu ra ý tưởng ? Từ cái Trí Duy Nhất, và mọi chuyện khác cũng thế. Và con cũng không hỏi xin để lấy ý, con cứ lấy nó và bảo đó là ý của mình, hay hành xử như thể nó là ý của con, và như thế là cá nhân chủ nghĩa.
'Nhưng có có thể con phản đối và nói, 'Việc này chỉ là phiếm luận, dù con từ chối hay công nhận lời nói của thầy thì nó cũng không thay đổi gì'.
'Nhưng câu trả lời của ta cho điều ấy là ' Ăn cái bánh thì có bằng chứng về bánh'. Khi nhìn nhận lời khẳng định của ta biểu lộ sự thực ấy trong đời mình thì con thành người đáng yêu, đáng phục; bằng phủ nhận lời khẳng định ấy thì con không biểu lộ chân lý đó, và thành người đáng chán, không đáng phục, đầy lòng tự tôn. Ồ, thầy sẵn sàng chìu theo con và chịu nhận rằng không phải Chân lý tự nó là điều đáng kể, mà điều quan trọng hơn là ảnh hưởng của việc nhận thức Chân lý nơi con. Khi con thành công trong việc loại bỏ được huyễn tưởng dưới hình thức cá nhân chủ nghĩa trong lòng, thì không cần lầm thầm chân lý trong đầu từng giây từng phút. Một người tưởng lầm sợi dây là con rắn rồi nhận ra nó chỉ là sợi dây, điều ấy không muốn nói về sau trọn cả đời còn lại hễ khi nào gặp một khúc dây thì họ phải tự nhắc mình:
– Không phải con rắn, không phải con rắn !
'Một khi đã nhận ra sự thực thì 'Sự thực sẽ làm con được tự do'. Như thế con sẽ thấy rằng có nhiều người tài giỏi, dù là nghệ sĩ hay ai khác, có lòng khiêm tốn bẩm sinh. Họ là những linh hồn già dặn và đã học được bài học trong kiếp trước. Nhớ rằng đã học như thế nào thì không quan trọng - con có nhớ rõ ràng đã học vỡ lòng các mẫu tự ra sao không ? - điều quan trọng là đã học được bài học.
Chân sư châm điếu xì gà, ngẫm nghĩ hồi lâu rồi tiếp.
– Có một hình thức cá nhân chủ nghĩa thật quá quắt đến mức có vẻ như là phản đề của chính mình, và đó là hình thức ta đặc biệt phải đề phòng vì lý do ấy. Nó thường liên hệ đến tình thương - thầy không có ý nói nhất thiết là tình thương về tính dục, nhưng là lòng yêu mến nồng nàn ít nhiều. Giống như mọi tính cá nhân chủ nghĩa, nó có lòng ích kỷ và tự phụ trong đó nhưng cả hai được ngụy trang rất hiệu quả và trừ phi ta đi sâu vào, ta sẽ không nhận ra chúng. Để thầy đưa thí dụ, một cô gái có bạn, cho là bạn gái đi, mà cô tôn thờ. Cô dành thì giờ để làm tất cả những gì có thể nghĩ ra cho người bạn ấy, nào là mua chocolate mua hoa tặng, may áo lót mình đẹp đẽ, cho bạn, lo chuyện vặt vãnh, vá áo, gội đầu. Ai nhìn sự việc sẽ tấm tắc.
– Chà, đáng yêu quá ! Đẹp đẽ quá ! Tình yêu quí quá ! không ích kỷ chút nào !
'Nhưng đó có phải là lòng không ích kỷ ? Khi cô gái hết lòng hết dạ này nghe có ai khác cho bạn mình cũng chocolate hay gì gì khác thì cô có sung sướng không, có thấy thoải mái không ? Cô thấy lòng bứt rứt mà không thể định nghĩa được, cảm giác ấy làm xáo trộn tâm tình khiến đời bớt vui. Vì lẽ nào đó cô thấy chocolate của người khác phải không ngon ngọt như của cô, việc người khác làm cho bạn cô phải không hữu hiệu như cô làm, xà phòng gội đầu của họ phải không thơm, dịu như của cô v.v.
Giả thử có ai đó vô hình biện luận với cô rằng.
– Nhưng cô không muốn bạn vui sướng ư ?
Cô sẽ trả lời hăng hái.
– Sao lại không, trọn cả ngày tôi có làm gì khác ngoài việc làm cho cô bạn vui, có chết để bạn được vui tôi cũng làm.
Giọng nói tiếp tục.
– Nếu quả vậy thì tại sao cô không vui khi bạn được hạnh phúc ?
Yên lặng, không có trả lời.
'Ta giải thích ra sao ? Trọn lòng không ích kỷ ấy chỉ là sự không ích kỷ giả hiệu, nó là cá nhân chủ nghĩa được ngụy trang. Bao lâu mà cô gái rất tận tụy này có thể là người đem lại hạnh phúc cho bạn mình thì mọi việc êm đẹp, nhưng ngay khi ai khác cũng đem lại hạnh phúc thì kết quả là đau khổ. Giống như kiêu hãnh là nguyên cớ thực sự của lòng ganh tị, thì trong trường hợp này kiêu hãnh cũng là căn do của việc muốn mình là người duy nhất mang lại hạnh phúc. Và không cần phải nói, ở đâu có lòng kiêu hãnh thì ở đó có cá nhân chủ nghĩa vì điều sau là một tính chất của điều trước.
'Các con đã nghe nói rằng phước thay cho kẻ nào cho ra vui vẻ, nhưng đôi khi nói phước thay cho ai vui vẻ để người khác cho, thì hợp hơn. Bằng cách nào người mà ta thương yêu được hạnh phúc thì có quan hệ chi ? chuyện chính là họ được hạnh phúc. Trên thế giới có nhiều lòng không ích kỷ giả hiệu và tình yêu không ích kỷ giả hiệu, các con thấy nó trong các mối liên hệ khác nhau, giữa mẹ và con trai, mẹ và con gái, vợ và chồng thường khi nhiều hơn nữa giữa các đôi bạn tình.
'Có loại người tình biểu lộ nó tới mức hoàn hảo, anh bảo cả hai chục lần trong ngày là sẵn sàng chết cho con, nhưng về mặt lý thuyết khi anh không chết cho con thì anh không thể sống mà không có con. Anh luôn nói rằng anh yêu quí con là dường nào, và làm sao anh không thể sống mà thiếu vắng con dù chỉ một phút, đừng nói trọn cả đời. Ồ, thầy bảo đảm với con anh có ý tốt nhưng có cái giá của nó, hoặc anh phải thành hôn hoặc tự tử. Nói thật anh là người tình tuyệt vời, con chưa hề thấy được ai yêu và cần tới con như vậy trong đời từ hồi nào đến giờ. Những lời thương yêu từ miệng anh tuôn ra làm con bay bổng lên chín tầng mây, con nghe rằng chuyện gì của con cũng hoàn hảo, bất cứ chuyện gì. Thật tuyệt diệu kiếm được người thực sự quí chuộng con, tuyệt diệu thấy mình được người khác muốn tới như vậy.
Chân sư ngừng rồi đổi giọng
– Nào, quả nó thật tuyệt vời, cũng giống như cảm giác mơ màng đầu tiên của người hút thuốc phiện: say sưa, phơi phới, thế nhưng về tai hại sau này thì sao ? Con bắt đầu nhận ra được ham muốn nồng nàn như vậy không phải hoàn toàn là đáng ao ước. Con bắt đầu thấy mình bị ràng buộc không thoải mái chút nào, khi con muốn ra ngoài đi dạo thì chồng con thích ở nhà hơn và làm tình với con. Khi anh do công việc ở sở phải đi tới chỗ không hấp dẫn thì đòi mang con theo, cho dù đi xe lửa làm con mệt. Khi con muốn mời bạn tới chơi buổi tối thì anh muốn dành thời gian ấy chỉ cho hai vợ chồng. Sau cùng con thấy rằng thân xác và tâm hồn mình không còn thuộc về con nữa, và đi tới kết luận đáng sợ rằng kẻ mà hồi trước là người tình xử sự tuyệt hảo, thì nay là ông chồng ích kỷ và khó chịu hơn ai hết.
'Có phải lúc nào anh ta cũng thương yêu con không ? Không - anh chỉ thương có chính anh thôi - và thương điều mà con có thể cho anh là sự vui thỏa. Anh chỉ quan tâm đến điều duy nhất mà anh có thể có được, và trọn những lời ngọt ngào của anh chẳng là gì khác hơn lời van xin ích kỷ được ngụy trang. Nếu con làm anh thất tình hẳn anh sẽ sẵn sàng tuyệt mạng, không phải cho con mà vì con. Lòng kiêu hãnh bị một cú trời giáng cộng thêm với việc không được thỏa lòng ham muốn sẽ hóa ra quá mạnh đối với anh, và anh sẽ tìm cái chết để được an thân. Anh là người ích kỷ thượng hạng  par excellence, thà không sống còn hơn là không . Và có hàng ngàn người khác giống như anh, chỉ thay đổi chút ít. Câu nói có vẻ văn hoa 'Chết với quả tim tan vỡ' thực sự nghĩa là gì ? Chết vì lòng ích kỷ, quả tim vỡ ra trăm mảnh vì ham muốn không ngừng điều nó không thể có.
'Ta đã nói đủ cho con thấy lòng ích kỷ và cá nhân chủ nghĩa tinh quái như thế nào, và điều sau giống như con sâu, có thể ăn luồn vào mọi lỗ hổng, ngõ ngách trong tâm tính của người, chỉ ló đầu ở chỗ không ngờ nhất. Hãy canh chừng đối với con sâu ấy, nó không đẹp, nó là ký sinh trùng biến dạng sẽ bị Minh Triết có sức thanh lọc tiêu hủy đi.'